Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Vào KK's hospital


2 tuần trước Abi phải vào KK hospital cho việc điều trị viêm phế quản. Thật tình thì viêm phế quản là bệnh thông thường của  trẻ em, không đến nổi phải vào bệnh viện điều trị và phải ở lại đến tận 4 ngày như Abi (đi toi một số tiền) . Vì trước đó thì mình lỡ dại đưa bé ra ngoài trời dạo khi mưa lất phất rơi, có gió vào chiều tối. Đến khi về nhà thì xách bé đi tắm và cho ngủ trong phòng có gió lùa ( nhà ở tận lầu 9 nên gió thổi lồng lộng) . Tối đó Abi bắt đầu có biểu hiện ho nhẹ nên 2 vợ chồng nghĩ chắc thường thôi, nên cho qua. Ai ngờ , qua đến tận trưa ngày hôm sau thì bé bắt đầu ho nhiều liên tục và mũi thì bị nghẹt nên con chủ yếu thở bằng miệng. Thấy thế mẹ cho đi bác sĩ gần nhà, thì bác cho một số thuốc và dặn nếu tình trạng tồi tệ hơn thì phải đưa vào bệnh viện gấp . Khoảng tầm 8h tối khi daddy về đến, thì lúc này con đã ngủ say do uống thuốc nhưng sau đó thì daddy con lại người phát hiện thấy hơi thở của bé không bình thường. Cơ bụng co thắt lại rất nhanh nên 2 vợ chồng gấp rút chuẩn bị đồ đạc đem bé vào bệnh viện.

 Khi đưa bé vào phòng cấp cứu thì cảm giác lo sợ của mình bắt đầu tăng cao khi túc trực chung quanh Abi đến những 3 bác sĩ và 3 y tá . Hai bác sĩ nam và các y tá thì lo việc truyền khí oxy , còn vị bác sĩ nữ thì bắt đầu hỏi mình hàng chục câu hỏi có liên quan đến bệnh "suyễn" vì họ nghi ngờ bé có tiền sử "suyễn" . Chả là trường hợp cấp cứu thế này mới xảy ra lần đầu với bé nên mình hơi bị "sốc" và "lo sợ" tột độ khi tận mắt chứng kiến thấy Abi thở rất gấp, từng hồi và từng cơn khó khăn, mặc dù các bác sĩ và y tá rất tích cực lăng xăng để giúp bé có lại hơi thở bình thường. Nên lúc đó mình đã không kiềm chế được, nên khóc tại chỗ làm vị bác sĩ nữ đó mất thời gian ngồi an ủi và định thần mình lại . Thấy thế một y tá gần đó nhanh nhảu chạy đi kiếm khăn giấy và đưa bảo mình lau nước mắt. Cử chỉ nhẹ nhàng và quan tâm của mọi người trong phòng làm mình dịu một chút. Mọi việc diễn biến trong nửa tiếng thì Abi đã thở được nhưng còn yếu nên họ khuyên mình ở lại trong viện qua đêm để bác sĩ theo dõi.

Sau khi đưa bé đi chụp X-ray thì được đưa lên phòng chờ trước khi daddy làm thủ tục nhập viện. Lúc đó tầm 11h khuya. Một điều mà mình nhận ra là các nữ y tá ở đây chủ yếu đến từ Philipin, India và Malaysia. Nhưng thao tác rất chuyên nghiệp và nhẹ nhàng, họ dễ dàng nhận ra người bệnh hoặc người nhà cần gì là họ đến ngay lập tức. Như lúc mình ngồi hơi lâu nên mỏi, đứng lên một chút thì một nữ y tá chạy lại hỏi mình có cần gì không. Là ngay lúc đó mình có liền một ly nước uống :) . Chờ khoảng 15 phút thì daddy con lại cùng một y tá để di chuyển Abi lên phòng. Vì lúc đó Abi còn thở bằng máy nên ngồi hơi khó khăn, thế là cô y tá này đề nghị mình ngồi lên chiếc xe lăn và để bé lên trên . Rồi cô đẩy 2 mẹ con một hơn lên phòng, mặc dù daddy muốn giúp cô nhưng lại bị từ chối và bảo rằng " Đấy là nhiệm vụ của y tá nên anh đừng lo" .

Nhận phòng xong xuôi thì 30 phút sau có một bác sĩ trực đêm khu đó đi kiểm tra bệnh nhân. Và ngạc nhiên là vị bác sĩ này đến từ Delhi, Ấn Độ . Mình đoán tuổi bác chắc cũng tầm ox mình mà thần thái sao mà đạo mạo quá trời. Lúc này thì Abi khóc to và đòi về nhà khi thấy nhiều bác sĩ và y tá, nên bác Ravi ngồi xuống và bắt đầu dỗ bé. Phải công nhận rằng các y bác sĩ ở đây sao mà hiền như "ma sơ" từ cách nói chuyện đến hành động . Nên phần nào cũng giúp người nhà bệnh nhân cảm thấy nhẹ nhàng và an tâm , dễ chịu để đặt ra hàng chục câu hỏi cho bác sĩ.Còn trong khi đó thì trái ngược hoàn toàn với các y bác sĩ ở Việt Nam. Nhớ lại cảnh bé bị tay chân miệng và đưa vào bệnh viện nhi đồng 1 thì "Trời ơi, đất hỡi...chỉ mở miệng hỏi một câu thôi thì các bác trả lời với thái độ khó chịu vô cùng :( . Tóm lại, bác sĩ ở Việt Nam nên học cách nói chuyện với bệnh nhân trước khi có được tấm vé hành nghề y.

Cảm giác sợ sệt của Abi khi thấy nhiều bác sĩ, y tá vây quanh. 

Daddy và mommy túc trực bên giường bệnh 24/24. Xung quanh những giường bệnh khác thì chỉ có mẹ vì hầu hết cha của các bé đi làm và thăm bệnh buổi tối. Riêng daddy của Abi thì xin nghỉ phép một lèo 4 ngày, mặc dù biết công việc sẽ bị đùn.

Ở trong viện mà tinh thần của bé rất thoải mái.

Thấy hàng xóm kế bên có cây kiếm.Thế là vòi daddy mua ngay cho mình.

Rồi múa loạng xoạng

Chơi chán thì chạy ra khu trò chơi, nên các y tá rất mệt trong việc kiếm Abi để bơm thuốc

Ở phòng chơi chỉ có mình Abi thôi, vì các bé khác ngoan ngoãn hơn chỉ nằm yên trên giường bệnh. Chứ không ai như bé nhà mình, chạy nháu nhàu khắp cả khu

Có sự góp mặt của mẹ Thảo

Được hồi lâu thì chạy xuống khu công viên của bệnh viện

Không thì chạy xuống khu FoodCourt tầng trệt

Rồi lại nhìn ngó người ta ăn.

Cách điều trị ở bệnh viện cũng rất đặc biệt.  Nếu là bệnh không quá nặng thì bác sĩ ở đây không hề kê một loại thuốc uống nào, kể cả những lúc mình xin thuốc ho long đờm cho Abi vì bé ăn bao nhiêu là ho bấy nhiêu. Nhưng bác sĩ từ chối ,  bảo rằng  "ói là phản ứng tự nhiên thôi ,để giúp bé tống đờm  nhớt . Vả  lại bệnh viện là nơi vô trùng tuyệt đối nên cũng chẳng cần đến thuốc trụ sinh. Cứ để bé ở viện vài ngày thì tình trạng sẽ tốt hơn". Nên gia đình mình ở viện mà cứ như là nghỉ dưỡng, vì môi trường trong viện khá sạch sẽ và dễ chịu nên ai nấy đều mập mạp sau khi ra viện.

À, phí nghĩ dưỡng cho 4 ngày điều trị "viêm phế quản" lên đến $2,500 sing , mặc dù sau đó tiền viện phí cũng  
được bảo hiểm trả lại một phần. Nhưng cũng là bài học nhớ đời nếu không muốn mất phí ngu nữa sau này.